Nhờ vào đặc tính kháng viêm và chống oxy hóa, khi nhắc đến công dụng của tinh bột nghệ trên da, bạn có thể nghe đến khả năng làm mờ sẹo mụn, hỗ trợ điều trị vẩy nến, chữa lành vết thương ngoài da…
Từ lâu, mọi người đều biết nghệ không chỉ là gia vị tô điểm cho các món ăn mà còn là một trong nhiều phương thuốc quý. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết ngoài khả năng chữa bệnh, tinh bột nghệ còn có thể góp phần hỗ trợ trong công cuộc chăm sóc da của phụ nữ.
Vậy, bạn đã biết gì về công dụng của tinh bột nghệ trên da rồi? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu qua bài viết sau nhé.
Tinh bột nghệ là gì?
Trong nhiều thập kỷ qua, bên cạnh khả năng hỗ trợ điều trị một số bệnh lý, ví dụ như viêm dạ dày, tinh bột nghệ còn được ứng dụng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm. Loại bột có màu vàng đặc trưng này là sản phẩm bào chế từ củ nghệ tươi. Ngày nay, trong lĩnh vực chăm sóc da, bạn có thể tìm thấy tinh bột nghệ dưới dạng thực phẩm bảo vệ sức khỏe và các sản phẩm da liễu cũng như làm đẹp khác.
Những lợi ích do tinh bột nghệ đem đến chủ yếu nhờ vào hàm lượng lớn curcumin. Đây là một họa tính sinh học có đặc tính kháng viêm và chống oxy hóa mạnh.
Công dụng của tinh bột nghệ đối với da như thế nào?
Thực tế, nền khoa học hiện đại mới chỉ bắt đầu nghiên cứu các tác động tích cực của củ nghệ. Tuy nhiên, không ít người tin rằng vị thuốc dân gian này còn có tác dụng trên da. Tiếp theo đây là một số công dụng của tinh bột nghệ đối với làn da của bạn, bao gồm:
1. Góp phần giúp da căng bóng
Đặc tính kháng viêm và chống oxy hóa mạnh của tinh bột nghệ có khả năng làm căng bóng cho da mặt. Ngoài ra, tinh bột nghệ còn có thể “hồi sinh” làn da của bạn bằng cách phục hồi độ sáng tự nhiên.
Bạn có thể sẽ muốn thử mặt nạ nghệ tại nhà để xem liệu công dụng của tinh bột nghệ có hiệu quả trên da mình hay không. Hãy trộn một lượng nhỏ tinh bột nghệ, sữa chua và mật ong lại với nhau và đắp hỗn hợp này lên mặt. Giữ mặt nạ trong 15 phút rồi rửa sạch với nước lạnh.
2. Chữa lành vết thương
Hoạt chất curcumin trong tinh bột nghệ có thể đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương. Ngoài ra, nó còn làm giảm phản ứng của cơ thể với những vết thương ngoài da. Điều này giúp cho những thương tổn mau chóng hồi phục và ít nguy cơ để lại sẹo.
Nhiều nghiên cứu cũng đã phát hiện ra rằng công dụng của tinh bột nghệ có khả năng ảnh hưởng tích cực đến các mô và collagen. Bạn nên áp dụng curcumin như một “công cụ” tối ưu hóa quá trình điều trị và phục hồi những vết thương trên da.
3. Hỗ trợ điều trị vẩy nến
Chất chống oxy hóa và chống viêm của củ nghệ có thể giúp “đẩy lùi” tình trạng vẩy nến của bạn bằng cách kiểm soát các mảng da đỏ ửng hoặc trắng bạc cũng như những triệu chứng khác của bệnh.
Một số chuyên gia da liễu cho rằng bạn có thể sử dụng tinh bột nghệ như một chất bổ sung hoặc sử dụng như gia vị tô điểm cho món ăn. Tuy nhiên, trước khi áp dụng biện pháp hỗ trợ điều trị này, bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia trước nhằm hạn chế tình trạng kích ứng không mong muốn xảy ra.
4. Làm mờ sẹo mụn
Bạn có thể muốn thử đắp mặt nạ nghệ để làm thuyên giảm tình trạng mụn trứng cá cũng như các vết sẹo, thâm do mụn để lại. Hoạt chất chống viêm curcumin có khả năng làm dịu da từ sâu trong từng lỗ chân lông. Ngoài ra, mặt nạ tinh bột nghệ còn có đặc tính chống oxy hóa mạnh, từ đó làm da của bạn sáng và rạng rỡ hơn.
5. Giúp điều trị ghẻ
Trong một nghiên cứu trước đây tiến hành ở Ấn Độ, sự kết hợp giữa tinh bột nghệ và neem, một loại cây phát triển mạnh tại quốc gia Nam Á này, có thể cải thiện hiệu quả của quá trình điều trị bệnh ghẻ. Ghẻ là một bệnh ngoài da phổ biến, phát sinh bởi những con rệp siêu nhỏ khiến da ngứa dữ dội.
6. Hỗ trợ điều trị một số vấn đề da liễu khác
Thực tế, hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa có đủ bằng chứng thuyết phục về công dụng của tinh bột nghệ đối với những vấn đề da liễu khác. Tuy nhiên, vẫn có một số nghiên cứu nhỏ cho thấy tinh bột nghệ có khả năng hỗ trợ điều trị các bệnh như:
- Bệnh chàm
- Rụng tóc
- Liken phẳng (lichen planus)
Các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực sử dụng thực vật để điều trị bệnh cho rằng họ cần nhiều bằng chứng khoa học hơn về công dụng của tinh bột nghệ đối với những tình trạng da khác nhau trước khi công bố rộng rãi. Ngày nay, vấn đề này đang được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đến.
Nguy cơ rủi ro khi dùng tinh bột nghệ trên da
Tương tự những sản phẩm khác, tinh bột nghệ cũng có thể đem đến cho bạn tác dụng phụ không mong muốn. Bạn cần cẩn thận về liều lượng, loại sản phẩm bổ sung và nguy cơ tinh bột nghệ phản ứng với nhóm thuốc bạn đang sử dụng.
Tính chất của curcumin là không tan trong nước, dẫn đến sinh khả dụng của hoạt chất này nói riêng và tinh bột nghệ nói chung rất thấp. Điều này có nghĩa là bạn sẽ cần sử dụng một lượng lớn tinh bột nghệ nếu muốn thu được lợi ích như mong đợi. Tuy nhiên, cách sử dụng như trên không tốt cho sức khỏe cũng như tài chính của bạn. Tiêu thụ quá nhiều tinh bột nghệ trong thời gian ngắn có nguy cơ gây phản tác dụng.
Do đó, bạn nên tránh dùng quá nhiều nghệ cùng một lúc. Hãy chờ xem cơ thể bạn phản ứng như thế nào với nghệ trước khi tăng liều lượng. Nếu bạn đang dùng các loại thuốc khác, hãy thảo luận với bác sĩ về việc sử dụng tinh bột nghệ trước khi bắt đầu.
Khi được thoa trực tiếp lên da, tinh bột nghệ có thể tạm thời để lại mảng vàng bắt mắt trên da. Sắc tố vàng có thể biến mất sau khi bạn tắm rửa hoặc ngưng sử dụng nghệ. Tuy nhiên, nếu bạn bị dị ứng, nghệ tiếp xúc trực tiếp với da có thể gây kích ứng và sưng đỏ.
Bạn nên thoa tinh bột nghệ lên cánh tay và quan sát phản ứng của cơ thể trong 1-2 ngày trước khi thoa trực tiếp lên mặt. Da mặt vốn mỏng hơn nhiều lần so với da tay nên quá trình kiểm tra dị ứng này là cần thiết. Ngoài ra, bạn nên lưu ý rằng nếu đã dị ứng với nghệ trong thực phẩm, bạn không được dùng tinh bột nghệ lên da mặt.