Rau má được đánh giá là lành tính và sử dụng rộng rãi trong đời sống. Tuy nhiên, quá lạm dụng chúng có thể gây ra những tác hại ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn.
Rau má có tác dụng
- Sát trùng, chữa thổ huyết, khí hư
- Thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu
Lương y Bùi Hồng Minh, nguyên Chủ tịch hội Đông y Ba Đình, Hà Nội, cho biết rau má có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc, lợi tiểu. Rau má cũng thường dùng để làm thuốc bổ dưỡng, sát trùng, chữa thổ huyết, tả lỵ, khí hư, bạch đới, mụn nhọt, rôm…
Ăn rau má giảm căng thẳng, cải thiện trí nhớ?
TS.BS Trần Bá Thoại, Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam, cho biết những hoạt chất trong rau má như bracoside B có tác dụng lên hoạt động của hệ thần kinh trung ương, tăng cường các chất trung gian chuyển hóa (neurotransmitters) giúp tế bào thần kinh, não bộ hoạt động tích cực hơn, giảm căng thẳng tâm lý, tăng khả năng tập trung tư tưởng và giúp cải thiện trí nhớ của người già.
Sử dụng rau má giúp phòng bệnh?
Ung thư
Rau má có chứa beta caroten, sterols, saponins, alkaloids, flavonols, terpenoids, các vitamin,… là những chất chống oxy hóa thiên nhiên, giúp cơ thể chống lại stress oxy hóa, các rối loạn DNA, ngăn chặn quá trình ung thư hóa. Nghiên cứu trên chuột cho thấy dịch chiết rau má có khả năng chữa lành khối u dạ dày, có khả năng kháng khối u.
Thời điểm phụ nữ không nên uống nước rau má?
Trước và khi có bầu
Các chuyên gia khuyên phụ nữ dự định và đang mang thai nên tránh ăn rau má bởi sử dụng loại rau này lâu ngày sẽ làm giảm khả năng thụ thai. Ngoài ra, các chất cho trong loại rau này có thể dẫn đến khả năng sẩy thai.
Không nên uống nước rau má liên tục trong bao lâu?
1 tháng
Bác sĩ Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội, cho hay một ngày mỗi người bình thường có thể dùng khoảng 40 g rau má trở lại, nhưng cũng không nên uống quá một tháng. Bạn nên dừng tối thiểu nửa tháng rồi mới dùng tiếp.
Tác dụng phụ khi dùng quá nhiều rau má?
Tiêu chảy
Rau má có tính hàn nên dễ gây đầy bụng và tiêu chảy, đặc biệt với người có thân nhiệt thấp và thường bị lạnh bụng. Nếu dùng, bạn cần ăn kèm một vài lát gừng để ấm bụng và trung hòa tính hàn của rau.
Ăn rau má khi đang uống thuốc có thể làm giảm tác dụng?
Đúng
Rau má có thể tương tác với một số thuốc. Nó cũng có thể làm giảm hiệu quả của thuốc hạ cholesterol, insulin và thuốc tiểu đường uống khác.
Người mắc bệnh nào không nên ăn rau má?
Tiểu đường
Nhiều người cho rằng rau má giúp giải nhiệt tốt trong mùa hè nên ngày nào cũng ăn loại rau này hoặc ép lấy nước uống. Tuy nhiên, việc dùng quá nhiều sẽ làm tăng lượng cholesterol và lượng đường trong máu. Điều này rất nguy hiểm, dẫn đến nhiều căn bệnh khác. Đặc biệt, người bị tiểu đường không nên ăn nhiều rau má.