Trang chủ » Cẩm nang trị bệnh » Bệnh xương khớp » Thoái hóa khớp là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Thoái hóa khớp là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Thoái hóa khớp là bệnh lý phổ biến thường xảy ra ở người cao tuổi, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt, thậm chí gây tàn phế suốt đời.

Thoái hóa khớp là gì

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 80% bệnh nhân bị thoái hóa khớp bị hạn chế về vận động, 25% bệnh nhân không thể thực hiện các sinh hoạt thường ngày.

Bệnh thoái hóa khớp là gì?

Thoái hóa khớp tiếng Anh là Osteoarthritis hay Degenerative arthritis, là một khái niệm chỉ sự tổn thương của sụn khớp và xương dưới sụn. Trong đó degenerative là thuật ngữ mô tả sự thoái hóa sinh học, còn arthritis có nghĩa là viêm khớp.

Định nghĩa dưới đây của GS.TS.TTND Nguyễn Việt Tiến (Trưởng khoa Chấn Thương Chỉnh Hình – Bệnh viên Đa khoa Tâm Anh) sẽ giúp bạn hiểu rõ về bệnh lý:

Thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương sụn khớp và xương dưới sụn, kèm theo phản ứng viêm, giảm thiểu lượng dịch khớp. Bình thường, sụn khớp nguyên vẹn, trơn láng và cấu trúc xương dưới sụn ổn định.

Tuy nhiên, khi khớp bị thoái hóa, sụn khớp bị bào mòn, xù xì và nặng hơn có thể trơ ra đầu xương dưới sụn. Đồng thời, vùng xương dưới sụn cũng thay đổi cấu trúc dẫn đến phản ứng tạo các chất gây viêm, xuất hiện các triệu chứng như đau, sưng tấy.

Khớp giúp các chi, cột sống di động hàng ngày mà không bị tổn thương. Đó là nhờ sụn khớp và dịch khớp làm giảm sự ma sát giữa hai đầu xương gắn nhau ở khớp. Theo thời gian, lớp sụn khớp dần bị thoái hóa, trở nên xù xì và mỏng đi khiến cho khớp không thể vận hành tốt. Đồng thời, phần xương dưới (lớp) sụn cũng bắt đầu thay đổi cấu trúc và hình dạng, bị xơ hóa, mật độ khoáng và sự bền chắc giảm sút rõ rệt, xuất hiện các vết nứt nhỏ.

Đối với trường hợp nặng, sụn có thể mỏng đến mức không thể che phủ toàn bộ đầu xương. Khi vận động, xương dưới sụn bị cọ xát vào nhau, thậm chí bào mòn lẫn nhau khiến người bệnh cảm thấy vô cùng đau đớn.

Các giai đoạn thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp thường trải qua gồm 4 giai đoạn phát triển bệnh:

Giai đoạn 1: Biểu hiện không rõ ràng

Thoái hóa khớp thường bắt đầu ở đầu gối, sụn khớp có thể bị ảnh hưởng nhẹ. Giai đoạn này, người bị thoái hóa khớp gối thường không cảm thấy bị đau nhức, chưa thấy triệu chứng rõ ràng. Bệnh nhân vẫn đi lại bình thường, chỉ những trường hợp hoạt động quá nhiều, đứng lên ngồi xuống liên tục thì mới cảm thấy khớp gối hơi đau. Nếu chụp X-quang thì vẫn chưa phát hiện ra sự bất thường ở khớp.

Giai đoạn 2: Biểu hiện nhẹ

Đến giai đoạn 2, người bệnh sẽ cảm nhận được các triệu chứng đau của thoái hóa khớp. Tuy nhiên, giai đoạn này, bệnh chỉ mới tiến triển ở mức độ nhẹ, lớp sụn khớp chưa bị tổn thương nhiều, bao hoạt dịch vẫn hoạt động bình thường nên vẫn cung cấp đủ dịch khớp để nuôi dưỡng lớp sụn và bôi trơn ở khớp. Vì vậy, hoạt động của khớp vẫn bình thường.

Tuy nhiên, với những người bị thoái hóa khớp ở giai đoạn này sẽ hình thành các gai xương nhỏ nên khi vận động các gai xương này sẽ chạm vào các mô trong khớp nên cảm nhận đau mỏi khi vận động nhiều. Người bệnh có cảm nhận các khớp xương của mình bị cứng, đau nhức khi trời lạnh hoặc khi ngủ dậy. Ở giai đoạn này khi chụp X-quang khớp đầu gối sẽ thấy sụn khớp bắt đầu hao mòn đi, hình ảnh gai xương và khe khớp hẹp đi.

Giai đoạn 3: Tổn thương rõ nét

Giai đoạn này, những tổn thương của sụn khớp đã bắt đầu phát triển, hình ảnh X-quang sẽ cho thấy khe khớp hẹp rõ, có nhiều gai xương kích thước vừa, lớp sụn khớp bị bào mòn nhiều, xương dưới sụn thậm chí bị biến dạng bề mặt khớp. Người bệnh bắt đầu cảm thấy đau và khó chịu khi thực hiện các hoạt động như đi bộ, chạy bộ, quỳ, leo cầu thang… Thoái hóa khớp phát triển, sụn khớp tiếp tục bị bào mòn và vỡ ra, xương phát triển dày lên ra bên ngoài, thành cục. Các mô khớp sẽ bị viêm và có thể tiết ra chất lỏng hoạt dịch, gây sưng, gọi là viêm bao hoạt dịch.

Giai đoạn 4: Biểu hiện nặng

Đây là giai đoạn bệnh nhân viêm khớp ở giai đoạn nặng và nghiêm trọng nhất. Các triệu chứng bệnh xuất hiện rõ ràng. Hình ảnh X-quang cho thấy khe khớp hẹp nhiều, gai xương kích thước lớn, các đầu xương khớp bị bào mòn hoàn toàn hoặc chỉ còn lại rất ít, chất nhầy xung quanh khớp bị giảm dần. Người bệnh bị cứng khớp, viêm, đau nhức, di chuyển khó khăn.

Thoái hóa khớp - hinh 01
Thoái hóa khớp phát triển qua từng giai đoạn

Triệu chứng, biểu hiện thoái hóa khớp ở các vị trí

Thoái hóa khớp thường có các triệu chứng như đau khớp, cứng khớp, biến dạng khớp, teo cơ, có tiếng lạo xạo khi cử động, tràn dịch khớp làm vùng khớp bị tổn thương sưng to… Thoái hóa khớp thường xảy ra ở hầu hết các khớp, nhưng có một số vị trí phổ biến.  Tùy thuộc vào vị trí thoái hóa khớp sẽ có những triệu chứng cụ thể đi kèm như sau:(1)

Thoái hóa khớp gối

Bệnh thoái hóa khớp gối rất phổ biến vì loại khớp này luôn phải gánh chịu một trọng lực rất lớn để giữ cơ thể đứng vững, xoay và di chuyển.

Triệu chứng thường gặp: Đau ở phía trước và bên cạnh đầu gối. Khớp yếu đi khiến đầu gối khuỵu xuống khi phải chịu sức nặng. Người bệnh ngồi xổm và đứng dậy rất khó khăn, nặng hơn sẽ thấy tê chân, biến dạng nhẹ ở khớp gối.

Thoái hóa khớp háng

Thoái hóa khớp háng có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc vận động hằng ngày.

Triệu chứng thường gặp: cảm giác đau sâu bên trong phía trước háng, cũng có thể đau ở bên cạnh hoặc phía trước đùi, ở sau mông và lan xuống đầu gối.

Thoái hóa khớp ngón tay, bàn tay

Bệnh thường tác động lên vùng gốc của ngón cái và các khớp ngón tay. Các khớp sưng đau, đặc biệt là khi bệnh vừa mới bắt đầu. Sau đó, các khớp khiến ngón tay có thể hình thành các nốt cứng, trở nên gồ ghề và cong nhẹ.

Thoái hóa cột sống thắt lưng

Thoái hóa cột sống là loại tổn thương cột sống thường gặp nhất, đôi khi ảnh hưởng đến thần kinh tọa khiến người bệnh có cảm giác đau rất mạnh từ lưng xuống mặt trong đùi và chân.

Giai đoạn đầu, bệnh nhân thấy đau nhiều khi mới ngủ dậy và thường diễn ra trong 30 phút. Sau đó, cơn đau sẽ giảm dần nhưng âm ỉ kéo dài cả ngày và thỉnh thoảng sẽ tăng lên khi người bệnh làm việc nhiều, khiêng vác nặng.

Thoái hóa cột sống cổ

Thoái hóa cột sống cổ có biểu hiện là cảm giác đau mỏi phía sau gáy, lan đến cánh tay ở phía có dây thần kinh bị chèn ép ảnh hưởng.

Thoái hóa bàn chân

Thoái hóa khớp ở bàn chân thường tác động vào gốc của ngón cái, có thể làm ngón này bị cứng lại hoặc cong vẹo, khiến cho việc đi đứng trở nên khó khăn và đau đớn.

Thoái hóa gót chân

Thoái hóa khớp ở gót chân thường làm bệnh nhân có cảm giác bị thốn ở gót vào buổi sáng, khi bước chân xuống giường và đi vài bước đầu tiên.

Thoái hóa khớp - hinh 02
Thoái hóa khớp có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể

Nguyên nhân thoái hóa khớp thường gặp

Bình thường, sụn khớp được tái tạo đều đặn để bảo đảm chức năng khớp. Sau khoảng 30 tuổi, sự tái tạo giảm đi và sự thoái hóa diễn ra nhiều hơn. Thoái hóa khớp chính là sự mất quân bình giữa tái tạo và thoái hóa này của sụn khớp, xương dưới sụn khiến sụn khớp và xương dưới sụn bị tổn thương. Một số yếu tố có thể tác động đến quá trình này:

  • Tuổi tác: Thoái hóa khớp thường bắt đầu xuất hiện từ sau tuổi 40. Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng lớn.
  • Béo phì: Béo phì dễ dẫn đến thoái hóa khớp, đặc biệt là khớp gối(2).
  • Tổn thương khớp: Khớp bị tổn thương hoặc hoạt động quá sức (khiêng vác, đi cầu thang bộ nhanh, nhiều).
  • Dị dạng bẩm sinh về khớp: Người có khớp bất thường bẩm sinh hoặc xảy ra lúc trẻ sẽ dẫn đến thoái hóa khớp sớm và trầm trọng hơn bình thường.
  • Gen di truyền: Một số bệnh khớp có liên quan đến gen di truyền.
  • Chấn thương khớp: Nguyên nhân làm tăng tỷ lệ thoái hóa khớp ở người trẻ tuổi(3)

Khi khớp vận động liên tục và có các yếu tố tác động trên sẽ dễ dẫn đến các vi chấn thương và làm vỡ các mảnh sụn khớp nhỏ, phóng thích vào trong hệ thống bạch mạch và tuần hoàn. Lúc này, hệ thống miễn dịch sẽ nhận diện đây là các kháng nguyên lạ (do cấu trúc của sụn khớp không có mạch máu nên trước đây các tế bào của hệ thống miễn dịch chưa từng gặp mặt cấu trúc protein của sụn khớp).

Khi đó, các tế bào của hệ miễn dịch như các đại thực bào, tế bào trình diện kháng nguyên, lympho B, T sẽ sinh ra các tự kháng thể kháng sụn khớp, đồng thời sản sinh các protein tiền viêm như TNF-α, IL-1, IL-6, interferon gamma… tấn công, phá hủy sụn khớp, xương dưới sụn và màng hoạt dịch. Quá trình viêm của khớp cũng khởi phát dẫn đến hẹp khe khớp và hình thành các gai xương, gây đau khớp khi vận động.

Thoái hóa khớp có nguy hiểm không?

Mặc dù thoái hóa khớp không gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, việc bệnh không trực tiếp gây tử vong không có nghĩa là không nguy hiểm vì thoái hóa khớp sẽ khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh giảm đi rõ rệt, hạn chế khả năng vận động.

Nếu không được điều trị kịp thời, thoái hóa khớp sẽ làm biến dạng và mất chức năng vận động của khớp, thậm chí tàn phế.

Các phương pháp chẩn đoán bệnh

Bệnh thoái hóa khớp thường sử dụng các phương pháp sau để chẩn đoán bệnh:

Siêu âm khớp: Hình ảnh siêu âm sẽ cho biết tình trạng sụn khớp gối đang gặp phải: tràn màng dịch khớp, màng dịch khớp đang ở tình trạng nào, những mảnh vụn thoái hóa khớp…

Chụp MRI: Với phương pháp cộng hưởng từ sẽ cho bác sĩ thấy được những tổn thương ở màng hoạt dịch, sụn khớp và dây chằng.

Chụp X-quang: những hình ảnh chụp được từ X-quang cho thấy thoái hóa khớp đang ở giai đoạn nào. Mỗi giai đoạn sẽ có những biểu hiện rõ ràng: Giai đoạn 1 xuất hiện gai xương nhỏ; Giai đoạn 2: thấy rõ gai xương khớp; Giai đoạn 3: khe khớp bị hẹp vừa; Giai đoạn 4: khe khớp bị hẹp nhiều và xương dưới sụn bị vỡ.

Nội soi khớp: là phương pháp giúp bác sĩ quan sát trực tiếp những hư hại do thoái hóa sụn khớp. Từ đó, bác sĩ có thể chẩn đoán mức độ thoái của khớp gối và có cách điều trị cắt lọc các tổ chức viêm thoái hóa trong khớp.   
Lấy dịch khớp xét nghiệm: Đây là cách làm thông thường, đơn giản trong trường hợp bệnh nhân đang bị tràn dịch khớp gối. Bác sĩ sẽ chọc hút dịch để tiến hành điều trị khớp gối để đánh giá về cách bệnh lý về khớp.

Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp theo giai đoạn bệnh

Khi nhận thấy khớp mình có bất thường, cần thăm khám để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị phù hợp với tình trạng bệnh càng sớm càng tốt để có phác đồ điều trị thoái hóa khớp phù hợp. Sau đây là các cách điều trị thoái hóa khớp theo từng giai đoạn bệnh:

Điều trị bảo tồn, vật lý trị liệu

Trong trường hợp bệnh nhẹ, bệnh nhân sẽ được điều trị theo phương pháp vật lý trị liệu như chườm nóng, xung điện, chiếu đèn hồng ngoại, dùng máy phát sóng ngắn, luyện tập cơ, khớp, xoa bóp… giúp giảm đau, chống viêm. Đồng thời, người bệnh cần nghỉ ngơi, tránh cho khớp vận động mạnh. Điều trị bảo tồn, vật lý trị liệu áp dụng ở giai đoạn sớm, điều trị kết hợp với phương pháp khác hoặc hỗ trợ phục hồi chức năng khớp song song với điều trị thoái hóa khớp gối bằng phương pháp khác.

Thoái hóa khớp - hinh 03
Trong trường hợp bệnh nhẹ, bệnh nhân sẽ được điều trị theo phương pháp vật lý trị liệu

Sử dụng các loại thuốc trong quá trình điều trị

Đối với những bệnh nhân nặng, bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng các phương pháp điều trị như thuốc tiêm, thuốc giảm đau, kháng viêm, giãn cơ. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc trong việc điều trị và khắc phục thoái hóa khớp cần phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, tránh lạm dụng thuốc, để tránh gặp tác dụng phụ của thuốc. Tuy nhiên, khó duy trì được lâu dài vì tác dụng phụ rất nhiều và nặng nề. Các nhóm thuốc điều trị thoái hóa khớp phổ biến là hỗ trợ giảm đau, kháng viêm. Thuốc dùng qua đường uống, đường bôi, dán tại chỗ, hoặc đường tiêm trực tiếp vào ổ khớp.

Phẫu thuật

Trong những trường hợp bệnh nhân bị thoái hóa khớp nặng như biến dạng khớp, khớp cứng không cử động được, thoái hóa khớp kèm viêm bao hoạt dịch… không thể can thiệp bằng biện pháp thông thường, người bệnh sẽ được tư vấn phẫu thuật như: điều trị dưới nội soi khớp (cắt lọc, bào, rửa khớp), khoang kích thích tạo xương (microfracture), cấy ghép tế bào sụn, mổ thay khớp.

Các phương pháp điều trị khác

Ngoài ra, phương pháp điều trị thoái hóa khớp hiện nay còn nhắc đến liệu pháp tế bào gốc, liệu pháp Đông y. Liệu pháp tế bào gốc được đánh giá là an toàn so với phẫu thuật, tuy nhiên liệu pháp này cũng có nhiều mặt hạn chế như thời gian tiêm tế bào gốc chỉ kéo dài được 3-4 năm, với người lớn tuổi thời gian này còn ngắn hơn, và tồn tại nhiều rủi ro như không đáp ứng với thuốc mà chi phí lại cao.

Ngoài các bài thuốc, liệu pháp Đông y trị thoái hóa khớp còn kết hợp châm cứu, bấm huyệt, điện phân thường chỉ giải quyết phần nào triệu chứng đau. Khi sử dụng liệu pháp Đông y, người bệnh phải chọn nơi uy tín, đủ điều kiện và chuyên môn, tránh hàng giả hàng nhái, hoặc không rõ nguồn gốc ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.

Chế độ ăn khi bị thoái hóa khớp

Bên cạnh việc chẩn đoán và điều trị phù hợp, có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý thì chế độ ăn cho người thoái hóa khớp cũng góp phần tác động đến sụn khớp và xương dưới sụn, hỗ trợ quá trình điều trị thoái hóa khớp tốt hơn. Người bị thoái hóa khớp nên cố gắng bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin E, C, D, và K, các thực phẩm tăng chất nhờn cho khớp và tránh các thực phẩm làm gia tăng mức độ viêm.

Thực phẩm nên ăn

Hạt hạnh nhân chứa nhiều vitamin E, cá hồi giàu vitamin D, trái cam nhiều vitamin C, rau bina chứa nhiều vitamin K. Nên hạn chế và tránh thức ăn chứa nhiều đường và carbohydrate, các thực phẩm chiên và thực phẩm đóng hộp (nhiều muối và chất bảo quản). Ngoài ra cần hạn chế tối đa thuốc lá và rượu vì chúng làm gia tăng kích hoạt các phản ứng viêm của cơ thể.

Xem thêm: Thoái hóa khớp nên ăn gì?

Thoái hóa khớp - hinh 04
Chế độ ăn uống cũng góp phần cải thiện sức khỏe xương khớp

Món ăn hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp, bên cạnh việc điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ cũng như cải thiện lối sống, thì người thoái hóa khớp nên sử dụng những món ăn sau đây:

Canh bí xanh nấu sườn: Bí xanh (500g), sườn heo (250g). Dùng 2 nguyên liệu trên nấu canh nhạt. Món ăn này tốt cho người thoái hóa khớp ở giai đoạn phát cơn, có sưng nhưng ít nóng đỏ, dùng để giải trừ bệnh để giữ gìn sức khỏe, ngừa tái phát.

Canh mướp đắng nấu đậu phụ: Mướp đắng, đậu phụ mỗi thứ 250g. Món canh mướp đắng đậu phụ, dùng ở giai đoạn nhẹ, phát cơn cấp tính có sưng, bị nóng đau ở mức độ nhẹ.

Canh đậu xanh, ý dĩ nhân: Đậu xanh (100g), ý dĩ nhân (50g), hoa quế vừa đủ, đường cát. Dùng các nguyên liệu trên nấu canh ăn điểm tâm, ngày ăn 2 lần, có tác dụng chữa giai đoạn cấp tính, bị sưng đỏ nóng và đau rõ rệt, không cử động khó khăn.

Phòng ngừa bệnh

Thoái hóa khớp là tình trạng gần như không thể tránh khỏi. Tuy vậy, vẫn có thể phòng ngừa thoái hóa khớp và làm chậm quá trình này bằng cách xây dựng một chế độ sinh hoạt, tập luyện, dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt là từ sau tuổi 40.

Khi lao động và sinh hoạt, cần tránh các tư thế không phù hợp hay các động tác quá mạnh và đột ngột (nhấc xe). Cần thường xuyên vận động, tập thể dục giữa giờ (duỗi cơ). Tránh ngồi xổm, gập gối lâu, ít vận động. Hạn chế tình trạng tăng cân – béo phì để giảm áp lực lên các khớp xương… Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường về khớp, cần đi khám chuyên gia ngay để được tư vấn, chẩn đoán và cải thiện kịp thời.

Sự tổn thương sụn và xương dưới sụn chính là nguồn gốc của thoái hóa khớp. Do vậy, cơ thể cần được cung cấp những dưỡng chất cần thiết để nuôi dưỡng sụn và xương dưới sụn, cân bằng lại quá trình hủy hoại và tái tạo của các tế bào tại đây, từ đó giúp tạo chất nhờn, tăng độ bền và dẻo dai cho khớp, tăng sức mạnh liên kết cơ-gân-sụn khớp.

Đánh giá Sản phẩm - Nội dung có hữu ích?

Nhấp vào ngôi sao để xếp hạng đánh giá nó!

Đánh giá trung bình 5 / 5. Số phiếu bầu: 26

Không có phiếu bầu nào cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá.

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Shopping Cart
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x

Pin It on Pinterest

Scroll to Top